Microsoft muốn đầu tư 10 tỷ USD vào siêu chatbot ChatGPT
Microsoft đang đàm phán để đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI – chủ sở hữu của siêu chatbot ChatGPT, công cụ đang làm mưa làm gió trong hơn một tháng trở lại đây.
Theo trang tin Bloomberg, OpenAI và Microsoft đã có thảo luận về thỏa thuận này trong suốt nhiều tháng qua. Microsoft được cho là có kế hoạch rót tiền đầu tư cho OpenAI theo từng giai đoạn, kéo dài trong nhiều năm. Mặc dù vậy, những điều khoản cuối cùng của thỏa thuận này vẫn có thể thay đổi.
Trước đó, trang tin Semafor cũng khẳng định thương vụ đầu tư của Microsoft sẽ có sự tham gia của các quỹ đầu tư mạo hiểm khác, trong khi OpenAI có thể được định giá ở mức khoảng 29 tỷ USD.
Các tài liệu gửi cho nhà đầu tư tiết lộ thương vụ này đã được ‘chốt sổ’ vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, đại diện của Microsoft và OpenAI chưa bình luận gì về thông tin này.
ChatGPT đã tỏa sáng trên internet kể từ khi ra mắt vào cuối tháng 11/2022 và thu hút một triệu người dùng đầu tiên sau chưa đầy một tuần.
Khả năng bắt chước các cuộc trò chuyện như con người của công cụ này đã làm dấy lên suy đoán về tiềm năng thay thế các cây viết chuyên nghiệp. Thậm chí nó còn đe dọa cả hoạt động kinh doanh tìm kiếm cốt lõi của Google.
Theo đó, ChatGPT được xây dựng trên mô hình ngôn ngữ GPT-3 của OpenAI với những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Chức năng tạo hình ảnh từ văn bản của Dall-E thuộc OpenAI trước đó cũng từng làm nảy sinh một cuộc tranh luận rộng rãi về việc đưa AI vào sử dụng trong các ngành công nghiệp nghệ thuật và sáng tạo. Ngoài ra, OpenAI còn làm việc trên mô hình GPT-4 kế nhiệm để xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Theo Bloomberg, Microsoft trước đó cũng đã từng đầu tư khoảng 1 tỷ USD vào công ty này. Gã khổng lồ công nghệ cũng đang tìm cách tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing của mình, nhằm giành trước lợi thế so với dịch vụ tìm kiếm được ưa chuộng nhất thế giới là Google – hiện nằm dưới sự quản lý của tập đoàn Alphabet.
ChatGPT có khả năng trả lời các từ khoá tìm kiếm theo cách tự nhiên và giống con người, tiếp tục cuộc trò chuyện và trả lời các câu hỏi tiếp theo, không giống như bộ liên kết cơ bản mà tìm kiếm của Google cung cấp.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lo ngại về độ chính xác của công cụ này khiến người ta thận trọng trong việc sử dụng nó. Các trường học ở thành phố New York (Mỹ) hiện đã cấm học sinh của mình truy cập ChatGPT.